Cơ hội kinh doanh mới xuất hiện sau đại dịch

Thứ tư, 16 Tháng 12 năm 2020
In

Cơ hội kinh doanh mới xuất hiện sau đại dịch

(PLO)- “Sau cơn mưa nấm sẽ mọc rất nhiều. Qua cơn khủng hoảng, nhiều cơ hội kinh doanh mới sẽ xuất hiện” - đại diện một doanh nghiệp ví von.

Dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp gây không ít khó khăn cho cộng đồng các doanh nghiệp. Các nhà kinh doanh nhận định dịch vẫn có thể bất ngờ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nên họ phải lên kế hoạch chủ động sống chung với dịch và không bị bất ngờ.

Cả năm, lợi nhuận đủ mua iPhone 12

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May chuyên sản xuất, kinh doanh gạo, thức ăn thủy sản và cá tra xuất khẩu, chia sẻ: Kinh doanh ở cả hai mảng xuất khẩu và nội địa nên khi dịch COVID-19 xảy ra lần đầu, công ty rất bất ngờ, gặp nhiều khó khăn và loay hoay với việc chống đỡ. Có thời điểm ông cảm thấy mệt mỏi. “Nhưng đến nay tình hình đã khác. Mệt mỏi riết rồi cũng quen, như một cơ thể béo phì đã đốt được hết mỡ” - ông Thiện ví von.

Ông Thiện dẫn chứng khi dịch COVID-19 mới xảy ra, mảng xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu giảm đến hơn 50%. Bên cạnh đó, trong kế hoạch không tính đến yếu tố xảy ra dịch nên công ty lúng túng trong việc tạo dòng tiền trả nợ cho ngân hàng. Riêng với mảng thức ăn chăn nuôi, đến nay lợi nhuận chỉ có thể mua được… một chiếc iPhone 12.

“Đến nay dịch đã tác động sâu sắc toàn diện, dù vậy công ty không gục ngã, không đầu hàng khó khăn. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, đối với mảng xuất khẩu, chúng tôi cắt lỗ, cố gắng bán được đồng nào hay đồng đó để có tiền trả nợ ngân hàng. Chẳng hạn tháng 10 vừa qua dù có doanh thu xuất khẩu nhưng vẫn lỗ đến vài tỉ đồng. Đối với thị trường nội địa, mặt hàng gạo dù bán khá tốt nhưng lợi nhuận không tương xứng vì công ty có trách nhiệm bình ổn giá cả… Rất may đến thời điểm này, công ty vẫn duy trì được lực lượng hơn 1.000 công nhân tại hai nhà máy” - ông Thiện nói.

Cơ hội kinh doanh mới xuất hiện sau đại dịch  - ảnh 1
Khi dịch COVID-19 xảy ra, người tiêu dùng có nhu cầu cất trữ hàng hóa đông lạnh nhiều hơn và lâu hơn. Ảnh: TÚ UYÊN

Cùng cảnh ngộ, ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy sản Sài Gòn (APT), nhìn nhận ngoài dịch COVID-19, năm nay do thiên tai lũ lụt ở miền Trung làm cho nguồn nguyên liệu thiếu hụt. Đơn cử như cá biển khan hiếm, gây khó khăn cho công ty trong thu mua chế biến xuất khẩu.

Không những vậy, giá bao bì các loại nhập khẩu, chi phí vận chuyển, chi phí quản trị… đều tăng. Do đó, đối với đơn hàng xuất khẩu, công ty chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ một chút để không bị phạt hợp đồng. Đối với thị trường nội địa, một số mặt hàng công ty phải bán lỗ để duy trì kênh bán hàng.

Hàng loạt công ty khác cũng đang đối diện với tình hình khó khăn, sức mua yếu, doanh thu sụt giảm, sa thải người lao động… Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bidrico, đánh giá mọi năm thời điểm này các doanh nghiệp đã tung hàng tết và được các đại lý dự trữ nhiều. Năm nay các nhà phân phối không dám lấy hàng nhiều do lo ngại dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại thì không bán được hàng.

Không bất ngờ, hoảng loạn

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen và Kantar, trước những tác động của dịch bệnh COVID-19, thị trường đã chứng kiến những thay đổi nhanh chóng về thói quen và nhu cầu mới của người dùng. Ví dụ, người dân có xu hướng giảm các hoạt động bên ngoài; chế biến, ăn uống tại nhà nhiều hơn; quan tâm sản phẩm tiện lợi, an toàn và hỗ trợ sức khỏe, thắt chặt chi tiêu từ việc lựa chọn sản phẩm giá phù hợp...

Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May Phạm Minh Thiện xác định kế hoạch của công ty bây giờ là bằng mọi giải pháp để “sống” càng lâu càng tốt trong tình hình dịch COVID-19. Chừng nào vaccine được bán thương mại thì thị trường có thể phục hồi tốt.

“Nhưng tôi tin rằng sau cơn mưa nấm sẽ mọc rất nhiều. Qua cơn khủng hoảng vì dịch, nhiều cơ hội kinh doanh mới sẽ xuất hiện. Do đó, Cỏ May đã chuẩn bị sẵn một số giải pháp như tái cơ cấu bộ máy nội bộ, đẩy mạnh thị trường nội địa, tung ra sản phẩm mới… để khi cơ hội đến có thể vận hành nhanh hơn” - ông Thiện chia sẻ.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cũng cho hay hiện đang trong chu kỳ sản xuất hàng tết nên công ty chuẩn bị sẵn các kịch bản đề phòng rủi ro. “Chúng tôi không chủ quan vì ở các nước tình hình dịch còn diễn biến phức tạp. Chúng tôi đặt ra tình huống có thể dịch sẽ bùng phát trở lại, kèm theo đó là các kịch bản ứng phó kịp thời” - ông Hiến nói.

Tương tự, lãnh đạo Công ty APT cũng tự tin cho biết dù dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh chịu áp lực chồng chất nhưng đây cũng là quãng thời gian để nhìn lại hệ thống quản trị và thực hiện tái cơ cấu ở một số bộ phận để tối ưu hơn. Chẳng hạn công ty tập trung nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Ví dụ, từ tháng 5 đến nay, công ty đã xuất khẩu sang thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… 150 tấn sản phẩm mới, trị giá khoảng 1 triệu USD. Đối với thị trường nội địa, doanh số các sản phẩm mới khoảng 10 tỉ đồng. Doanh thu ở kênh siêu thị tăng 20% so với cùng kỳ.

“Chúng tôi tin rằng vaccine chắc chắn sẽ có, vấn đề là sớm hay muộn. Mặt khác, nếu dịch COVID-19 qua đi lại có thể xuất hiện những rủi ro khác. Bởi vậy chúng tôi đã đề ra mọi biện pháp ứng phó cho từng tình huống rủi ro cụ thể để có thể tồn tại và phát triển” - lãnh đạo APT tự tin.

Nổi lên một số nhóm cơ hội đầu tư, kinh doanh

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận bối cảnh dịch bệnh hiện nay và sau đại dịch COVID-19 đã và đang tạo ra nhiều xu hướng và cơ hội đầu tư, kinh doanh mới trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Trong đó hiện đang nổi lên một số nhóm cơ hội đầu tư, kinh doanh quan trọng trong thời gian tới.

Đơn cử như cơ hội đầu tư - kinh doanh số; đầu tư - kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường đã và đang mở rộng hơn. Cơ hội này đã có được trong những năm gần đây và dịch bệnh lại càng thúc đẩy nhu cầu thiết yếu này.

“Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư cũng đã và đang diễn ra. Xu thế này còn tiếp diễn vì quá trình dịch chuyển thường diễn ra ít nhất khoảng 1-3 năm. Việt Nam nói chung, các địa phương và doanh nghiệp Việt nói riêng cần chuẩn bị tâm thế, hạ tầng và dịch vụ khu công nghiệp, nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách tốt hơn để lường đón và tận dụng cơ hội này” - ông Lực khuyến nghị.


TÚ UYÊN

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: