SỐNG CHUNG VỚI COVID-19: Hồi phục kinh tế TP HCM trong bối cảnh mới

Thứ ba, 07 Tháng 9 năm 2021
In

Cần thận trọng xem xét bài học từ những quốc gia đi trước cũng như cân nhắc tình hình thực tế của TP HCM sau khi vừa đi qua một giai đoạn nhiều khó khăn

Nhiều quốc gia trên thế giới đang dần trở lại cuộc sống bình thường, hồi sinh các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nới lỏng giãn cách xã hội dường như là lựa chọn tất yếu khi hầu hết các quốc gia xác định phải sống chung với virus nhiều biến chủng, có sách lược phù hợp bảo đảm sự an toàn khi mở cửa.

Cần thiết nới lỏng giãn cách xã hội

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đang đi theo các làn sóng của quốc tế. Do vậy, Việt Nam có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm các nước khi xây dựng các phương án, kịch bản cho mình.

Khi số lượng ca nhiễm chưa đến mức khủng hoảng, có thể kiểm soát được thì phương án thắt chặt vòng vây để truy vết, cách ly F0 khỏi cộng đồng là nên làm. Việc đóng cửa hoạt động sản xuất kinh doanh trong một tháng để xử lý triệt để, ngăn chặn lây lan dịch bệnh là cần thiết.

Thế nhưng hiện nay, con số ca nhiễm đã gia tăng ở mức 4 con số mỗi ngày, cộng với tình hình giãn cách xã hội đã kéo dài 3 tháng, các nguồn lực trong xã hội đều đang bị kiệt quệ. Một số doanh nghiệp (DN) lớn, đặc biệt khối DN FDI, với nguồn lực vốn mạnh cũng phải oằn mình với việc giãn cách. Khi thực hiện các giải pháp tình thế, ví dụ như "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến", vô hình trung làm tăng chi phí DN lên rất nhiều. Cuối cùng, người dân phải gánh vác khi các chi phí đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất kinh doanh đều gia tăng phi mã trong khi nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp, tạm mất việc, giảm lương kéo dài.

Do đó, tiếp tục thắt chặt giãn cách là quá sức chịu đựng của các DN lẫn người dân và càng làm hệ thống các mặt trận suy sụp nguồn lực.

TP.HCM áp dụng 4 phương án sản xuất cho doanh nghiệp sau 15/8
SỐNG CHUNG VỚI COVID-19: Hồi phục kinh tế TP HCM trong bối cảnh mới

Khôi phục chuỗi cung ứng và ứng dụng công nghệ

Để khôi phục chuỗi cung ứng đang đứt gãy, cần tập trung vào các vấn đề nổi cộm nhất.

Về nhóm yếu tố hàng hóa, cần được tăng cường hoạt động hỗ trợ DN kết nối giao thương. Qua đó, tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu đầu vào có lợi cho DN, hỗ trợ kết nối kinh doanh tăng cường thị trường đầu ra bên cạnh việc thúc đẩy các chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi số, tái cấu trúc hoạt động trong bối cảnh mới.

Về yếu tố con người, việc phục hồi chuỗi cung ứng không chỉ là chú ý hỗ trợ DN mà nhà nước nên tính đến việc tạm thời kiểm soát giá thành sản phẩm để bảo đảm việc bình ổn giá ít nhất từ đây đến cuối năm. Bởi tâm lý các nhà sản xuất kinh doanh sẽ tranh thủ 3 tháng cuối năm để bù đắp thiệt hại 3 tháng qua nên khả năng giá cả tiếp tục biến động là rất dễ xảy ra. Do vậy, để giúp người lao động yên tâm trở lại làm việc, trước hết việc bảo đảm giá cả các nhu yếu phẩm luôn ở mức bình ổn là rất quan trọng.

Với DN nhỏ và vừa, các gói hỗ trợ là điều DN đang mong chờ; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thúc đẩy các hoạt động với cơ quan nhà nước bằng hồ sơ online điện tử nhằm giảm chi phí đi lại; thúc đẩy các chương trình Business Matching (kết nối giao thương) hỗ trợ DN tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào và thị trường đầu ra.

Với người lao động, cần xem xét trợ cấp thất nghiệp 3 tháng qua để họ có kinh phí quay trở lại công việc, giảm tiền điện (không theo giá dịch vụ) tại các khu nhà trọ ít nhất trong 3 tháng cho họ hồi phục lại kinh tế.

Để giải quyết tốt việc trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, vai trò của công nghệ vô cùng quan trọng. Có thể ứng dụng công nghệ để thiết lập các hệ thống khai báo tự động và hệ thống bác sĩ online tự động theo quy trình của các trường hợp đã thành công trong phòng ngừa và chữa trị Covid -19 vừa qua, nhằm giảm tải cho các bệnh viện. Trong bối cảnh này, việc thiết lập quy trình và vận hành theo quy trình là điều cần thiết. Việc đúc kết các trường hợp thành công/thất bại đối với các tình huống F0 vừa qua cũng giúp có được những quy trình tiêu chuẩn để đối phó với dịch trong thời gian tới.

Ngoài ra, thúc đẩy các đơn vị nghiên cứu công nghệ có tính tiện ích cao để giúp người dân và DN nhanh chóng tìm kiếm sản phẩm họ cần, tiết giảm tối đa thời gian và chi phí logistics của hàng hóa. Khuyến khích các siêu thị đưa ra chính sách đặt hàng online được nhiều ưu đãi để thúc đẩy cộng đồng đi chợ online.

Mở cửa dần kèm theo điều kiện

Giảm dần giãn cách xã hội, khôi phục các hoạt động, cần có các điều kiện cụ thể. Đó là, đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1. Mở hết các kênh huy động nguồn lực để thúc đẩy tiến độ tiêm vắc-xin mũi 2 bao phủ 80% dân số, bao gồm việc tạo cơ chế cho phép và khuyến khích DN tự mua vắc-xin, tổ chức tiêm vắc-xin; khuyến khích các cơ sở y tế tự tìm nguồn vắc-xin ở dạng dịch vụ để đáp ứng cho người có điều kiện tham gia tiêm dịch vụ. Song song đó, dành nguồn lực cho việc lên kế hoạch và tổ chức tiêm vắc-xin cho người dưới 18 tuổi để học sinh yên tâm trở lại trường sau học kỳ 1.

Chính quyền cần thông báo trước cho người dân và DN ít nhất 2 tuần việc mở cửa để có thể sắp xếp lại guồng máy công việc một cách chủ động. Việc này giúp ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Chỉ cho phép người lao động được tham gia làm việc trở lại khi đã đủ 2 mũi tiêm vắc-xin và tiếp tục duy trì các khuyến cáo 5K nơi công sở, công cộng và cả trong gia đình. DN chỉ được trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh khi đã xây dựng xong phương án về y tế bảo đảm phòng chống dịch cho người lao động.

Tăng cường truyền thông hướng dẫn cộng đồng việc tự ý thức phòng chống dịch để duy trì hoạt động kinh tế - xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phòng chống Covid-19 và phục hồi chuỗi cung ứng trên thị trường.

Cuối cùng là cung cấp chính sách hỗ trợ cần thiết ở giai đoạn phục hồi sau Covid-19 cho DN và người dân.

ThS Nguyễn Thị Thanh Uyên (Phó Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: