“Cá Tây” nuôi ở xứ ta

Thứ năm, 25 Tháng 4 năm 2013
In

(Thủy sản Việt Nam) - Cá nước lạnh (như cá tầm, cá hồi) vốn được nuôi tại “xứ Tây” nhưng gần chục năm nay, Việt Nam đã thành công trong nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, ít ai biết, đưa được giống cá ở xứ lạnh về xứ mình là một kỳ tích của ngành thủy sản; trong đó có công không nhỏ của ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức.

Quyết định táo bạo

Cá hồi, cá tầm có nguồn gốc từ miền ôn đới, cho giá trị kinh tế cao. Để nuôi thành công ở xứ nhiệt đới như Việt Nam là cực khó, nhưng Nguyễn Trọng Cử đã biến điều không thể thành có thể.

Cách đây chưa lâu, ngành thủy sản Việt Nam có một công bố quan trọng, mở đường cho nghề nuôi cá nước lạnh trong nước. Đó là kết quả nghiên cứu khoa học khẳng định, cá hồi, cá tầm có thể nuôi và phát triển được ở Việt Nam. Một trong những tác giả của công trình nghiên cứu này là Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng  Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I.

Hệ thống bể lạnh tuần hoàn hạ nhiệt giữ cho cá hồi, cá tầm luôn tươi sống

Tuyên bố khoa học quan trọng này và lời mời đầy nhiệt huyết của Tiến sĩ Lê Thanh Lựu đã thúc đẩy Nguyễn Trọng Cử có quyết định mạo hiểm đầu tư sang lĩnh vực thủy sản. Mạo hiểm là bởi việc sản xuất giống và nuôi cá hồi, cá tầm ở Việt Nam là mới và đối với Nguyễn Trọng Cử thì đây là nghề tay trái, bởi ông vốn là một luật gia có hơn 30 năm học tập và sinh sống tại Đức. Mặt khác, đầu tư vào lĩnh vực này khá tốn kém, cả về tài chính lẫn công sức. Thường 1 kg trứng cá tầm giống có giá khoảng 150 triệu đồng. Theo đó, đầu tư cho nuôi trồng cũng phải tốn kém hàng chục tỷ đồng. Biết vậy, nhưng do đây là loài cá có thể mang tính đột phá cho thủy sản miền núi, mong muốn mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm ngon, sạch, cao cấp và cũng là cơ hội làm giàu chính đáng… nên ông vẫn quyết tâm theo đuổi.

Thế rồi, Nguyễn Trọng Cử đi đến các trang trại nuôi cá tầm ở Đức và các nước châu Âu để tìm hiểu và học hỏi về nghề nuôi cá tầm. Nhờ cơ duyên, anh gặp được ông Udo Gross, chủ một trang trại cá tầm người Đức. Công ty gia đình Rhoenforelle của ông có truyền thống nuôi cá hồi và cá tầm 130 năm. Udo Gross đã theo Nguyễn Trọng Cử về Việt Nam và truyền nghề. Đồng thời, Rhoenforelle cũng trở thành nhà cung cấp giống cho công ty của Nguyễn Trọng Cử. Về Việt Nam, được sự giúp đỡ Tổng cục Thủy sản và CITES (Cơ quan Quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), Nguyễn Trọng Cử và cộng sự tự tin bắt tay thực hiện.

... đã thành công

Trong quá trình nhập khẩu trứng cá hồi, cá tầm về Việt Nam, khó khăn lớn nhất ở khâu thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian. Để đưa được 1 kg trứng về nước, trước hết phải phối hợp với đối tác Đức rất chặt chẽ về thời gian thụ tinh để chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp nhận trứng. Song song đó, phải có giấy phép nhập khẩu do Tổng cục Thủy sản cấp, sau đó có kiểm tra của CITES Đức, CITES Việt Nam, giấy phép kiểm dịch ở Đức, Việt Nam, tiếp nữa là tiến hành thủ tục thông quan nhanh chóng, nếu không trứng sẽ hỏng, thiệt hại lớn. Đồng thời, từ sân bay Nội Bài về Sa Pa cũng là một hành trình đầy nguy hiểm, nhiều rủi ro. Tuy nhiên, trải bao khó khăn vất vả, Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Việt Đức đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc ấp nở và ươm hai giống cá tầm Nga, bằng nguồn trứng nhập khẩu tại Sa Pa (Lào Cai), mở ra triển vọng nuôi thủy sản chất lượng cao trên núi. Nối tiếp thành công đó, năm 2011, Nguyễn Trọng Cử quyết định tiếp tục triển khai dự án nuôi cá tầm tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Ông Nguyễn Trọng Cử (bên phải) đang kiểm tra cá tầm bố mẹ

Về hai trại giống này, ông Cử cho biết: Trại giống Sa Pa được thành lập với mục đích khảo nghiệm và có thể ấp quanh năm, vì sử dụng hệ thống nâng và điều hòa nhiệt. Còn trại giống ở Tam Đảo ấp và dùng nguồn nước tự nhiên, nên trong năm thường mất 3 - 4 tháng khi nhiệt độ nước 22 - 23oC không phù hợp việc ấp nhưng lại tốt cho việc nuôi. Theo đó, cả hai trại giống này rất cần thiết để bổ sung cho nhau. Hiện, cả hai trại giống này có thể đảm bảo nhu cầu về giống cá tầm cho cả nước.

Cách trại giống Tam Đảo không xa là trại cá tầm thương phẩm với hơn 80 bể cá, cho sản lượng khoảng 100 tấn/năm, đang được chăm sóc rất cẩn thận với mực nước và nhiệt độ nước luôn giữ mức 18 - 22oC. Dự kiến, năm 2014 sản lượng cá thương phẩm sẽ đạt 200 tấn/năm. Đến nay, để hệ thống trại giống, trại cá thương phẩm đi vào vận hành, Nguyễn Trọng Cử đã đầu tư hơn 25 tỷ đồng, một khoản tiền khá lớn cho con cá tầm, chưa kể chi phí chuyển giao công nghệ, đào tạo, thuê chuyên gia...

Vẫn còn những trăn trở

Thành công nghề nuôi cá tầm, cá hồi đem lại nguồn lợi kinh tế cao, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ nguồn nước cũng như rừng đầu nguồn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều giống cá tầm nhập lậu không rõ nguồn gốc được bán với giá rẻ. Theo nhận định của ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan quản lý CITES, cá tầm nhập lậu vào Việt Nam nguy hiểm đối với sức khỏe không khác gì gà thải loại (bởi thịt cá nhiều nước, nhiều mỡ, nhão, không thơm và bở). Mặc dù vậy, do giá rẻ (160.000 - 180.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 so giá cá tầm nuôi trong nước) nên nhiều người tiêu dùng vẫn chấp nhận cá nhập lậu và không quan tâm đến xuất xứ của giống và đặc biệt là thức ăn. Hành động này vô tình đẩy cá tầm Việt Nam vào cảnh khó tiêu thụ; nhiều trang trại cá tầm phải “đắp chiếu”, ngao ngán nhìn cá nhập lậu tung hoành; những trang trại còn lại vẫn tồn tại nhưng chỉ trong trạng thái cầm chừng. Điều đó có nghĩa, bao công lao, tâm huyết của ngành thủy sản, của các nhà khoa học và bao nhiêu hộ nuôi, doanh nghiệp đầu tư cho cá tầm đứng bên bờ phá sản.

>> Nhà hàng Thác Bạc - Sa Pa tại Hà Nội

Địa chỉ: Số 44, Nguyễn Thị Định (Ngã tư Hoàng Ngân), phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: 04.39289275 – 01659199999

 

Cũng như mọi nhà đầu tư khác, là một người Việt Nam sản xuất và kinh doanh trên đất nước mình nhưng lại gặp bất lợi do cá tầm nhập lậu đang tràn lan trên thị trường, đẩy cá tầm Việt Nam đứng trước nguy cơ “chết yểu”, Nguyễn Trọng Cử tiếp tục thực hiện ý tưởng đã được nung nấu từ lâu. Bên cạnh Nhà hàng Thác Bạc tại Sa Pa được thành lập từ tháng 4/2009, đầu năm 2013, ông đầu tư hàng tỷ đồng mở thêm Nhà hàng Thác Bạc - Sa Pa ngay giữa Thủ đô - nơi thực khách có thể thưởng thức cá hồi, cá tầm tươi sống “chính chủ” và yên tâm về xuất xứ.

Nhà hàng Thác Bạc - Sa Pa tại Hà Nội được đầu tư hiện đại với hệ thống bể lạnh tuần hoàn hạ nhiệt theo công nghệ Đức. Hệ thống này duy trì cá tầm, cá hồi sống ở 12oC và thực khách luôn được ăn cá tươi sống vớt từ bể lên. Ngoài các món được chế biến tại chỗ, nhà hàng còn có 12 sản phẩm cao cấp chế biến từ cá tầm, cá hồi được đóng gói đẹp mắt, có thể đem về làm quà biếu, như: Cavia, cá hồi xông khói, ruốc cá, bánh chưng nhân cá tầm, cá hồi mới lạ... Nơi đây sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách mỗi lần đến với Hà Nội. 

Các đầu bếp đang chuẩn bị chế biến con cá tầm 25 kg cho thực khách

>> “Tôi mở Nhà hàng Thác Bạc - Sa Pa ngay tại Hà Nội với mong muốn những người yêu thích cá hồi và nhất là cá tầm của Thủ đô được dễ dàng thưởng thức sản phẩm này. Từ đó quảng bá, giới thiệu, tôn vinh cá tầm Việt Nam được nuôi theo chu trình khép kín từ khâu ương, ấp, làm giống và nuôi thương phẩm; đồng thời, giúp người tiêu dùng nhận ra sự khác biệt giữa cá tầm nhập lậu và cá tầm Việt Nam”, doanh nhân Nguyễn Trọng Cử chia sẻ.

Hồng Thắm


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: