Nhiều đề xuất "nóng" giải bài toán nhân lực lao động cho TP HCM sau đại dịch

Thứ bảy, 02 Tháng 10 năm 2021
In

(NLĐO) - Tọa đàm trực tuyến "Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức vào chiều 1-10 thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp

19:45 ngày 01/10/2021

RA MẮT CỔNG KẾT NỐI CUNG - CẦU LAO ĐỘNG

Nhằm hiện thực hóa một phần mục đích tọa đàm, trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các Sở LĐ-TB-XH và nhiều BQL KCX-KCN, hiệp hội và doanh nghiệp, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đã công bố ra mắt Cổng kết nối cung - cầu lao động.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay, khi mà thị trường TP HCM và các tỉnh lân cận phía Nam luôn có nhu cầu rất lớn về nguồn lao động đã qua đào tạo, lao động trình độ cao cho mọi ngành, lĩnh vực; trong khi đó tại nhiều tỉnh - thành, kể cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, vẫn còn một lực lượng nhân sự dồi dào chưa hoặc không tìm được việc, Báo Người Lao Động quyết định làm vai trò cầu nối để cung - cầu gặp nhau.

Cụ thể, hôm nay, chúng tôi công bố ra mắt Cổng kết nối cung - cầu lao động trên Báo Người Lao Động điện tử tại địa chỉ nld.com.vn. Cổng kết nối này do Báo Người Lao Động chủ trì, phối hợp với 3 đối tác để triển khai thực hiện gồm: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI, thuộc Sở LĐ-TB-XH TP HCM), Công ty Talentnet Corporation và Navigos Group.

Đây sẽ là địa chỉ để người tìm việc - việc tìm người gặp nhau; kết nối đào tạo - tuyển dụng giữa các trường đại học và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các tỉnh - thành và giữa các tỉnh - thành với nhau. Hoạt động cụ thể của Cổng kết nối cung - cầu lao động sẽ được các bên phối hợp triển khai trong thời gian sớm nhất.

Báo Người Lao Động với thế mạnh truyền thống hàng chục năm qua về lao động - việc làm và với Báo Người Lao Động điện tử thu hút nhiều triệu lượt xem mỗi ngày, chúng tôi hy vọng Cổng kết nối cung - cầu lao động sẽ trở thành điểm hẹn người tìm việc - việc tìm người tin cậy, hấp dẫn, hữu ích trong thời gian tới.

Nhà báo, tiến sĩ TÔ ĐÌNH TUÂN - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

4 tháng qua, tất cả mọi người phải thực hiện "Ai ở đâu ở yên đó", mọi hoạt động sản xuất giảm thiểu tối đa nên vấn đề đứt gãy nguồn nhân lực sau đại dịch là 1 trong những thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có chính sách chăm sóc tốt với người lao động. Đây là vấn đề lớn nhức nhối mà tất cả chúng ta phải tính đến.

Chúng tôi chọn ngày hôm nay, 1-10, là ngày đầu tiên TP HCM thực hiện cuộc sống bình thường mới, tháo gỡ những cái chúng ta đã thực hiện Chỉ thị 16.

Điều này có ý nghĩa rất lớn khi chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm này nhằm lắng nghe ý kiến của tất cả các đơn vị, doanh nghiệp, lãnh đạo các Bộ ban ngành, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp. Trong thời gian không dài, sau 3 giờ làm việc iên tục không nghỉ, chúng ta đã lắng nghe nhiều ý kiến hay, phản ánh sâu sắc, sâu sát về thực tế, phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp.

Tôi xin tóm lược 10 vấn đề lớn của buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay.

Trước hết, mọi người đều thấy rằng đây là đại dịch chưa có tiền lệ, gây thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế và nhân mạng không chỉ ở nước ta mà trên toàn cầu, mà đặc biệt nhiều nước đã phát triển lẫn đang phát triển đều chịu thiệt hại này. Trong đó, thiệt hại đứt gãy về nguồn cung, nguồn lao động nhiều nơi, ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt TP HCM, rất lớn, và điều này còn diễn ra trong thời gian dài nữa.

Thứ hai, sự đứt gãy này có một số dạng như sau: Người lao động về quê khi dịch bùng phát, doanh nghiệp đã thực hiện 3 tại chỗ; dạng 2 là người lao động về quê khi dịch căng thẳng và được các tỉnh thành thông qua hội đồng hương tại TP HCM tổ chức đón trở về. Đặc biệt, người lao động về quê vào tối 30-9 và sáng 1-10. Điều này nằm trong dự báo. Chúng ta thấy rằng việc người lao động về quê vào thời điểm này cũng có cái lý của người lao động vì quá sức chịu đựng, và tìm về quê hương không chỉ là chăm lo đời sống kinh tế mà đó còn là điểm an trú về tinh thần, khi mà bà con, quê hương, thậm chí có những người lên TP HCM lao động, gửi lại ở quê nhà mẹ già, con thơ. Thì bây giờ họ về cũng có lý do.

Khi doanh nghiệp đang cần nhất, vào thời điểm tái sản xuất, phục hồi sản xuất, người lao động lại rời TP thì gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ 3, doanh nghiệp chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi thiếu hụt nguồn lao động, rất nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng này. Sắp tới, khi thị trường xuất khẩu thị trường lẫn nội địa phục hồi mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất thậm chí tăng cường sản xuất. Như vậy máy móc, công nghệ có sẵn, thị trường phát triển nhưng thiếu điều quan trọng nhất là con người tạo ra sản phẩm đó. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp có những vị trí lao động không thể một sớm một chiều thay thế mà cần nhiều thời gian đào tạo. Đó là những vị trí dây chuyền, tổ trưởng, cần người điều khiển dây chuyền đó. Đây là thách thức lớn mà các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm đã nêu

Vậy đâu là giải pháp? Đây là điều mà tọa đàm hướng đến

Giải pháp rất quan trọng. Trước hết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các địa phương và TP HCM để tránh trường hợp mỗi nơi làm một kiểu. Các doanh nghiệp cũng phải kịp thời động viên người lao động ở lại và trở lại. Người ta đã về thì làm sao để họ ở lại TP HCM, những người sắp có ý định về quê thì làm sao để họ không về nữa mà ở lại. Nếu doanh nghiệp làm được điều này sẽ là 1 thành công lớn.

Chúng ta thấy rằng lúc này không chỉ chính quyền mới làm tốt công tác tuyên giáo mà doanh nghiệp cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để làm sao người ta thấy thấy việc ở lại với DN, TP là rất cần thiết. Ngoài yếu tố vật chất như lương, thưởng, đời sống thì cần quan tâm yếu tố tinh thần và trách nhiệm của người lao động đối với tương lai của doanh nghiệp, đối với tương lai phát triển của TP nói riêng và cả nước nói chung. Hơn lúc nào hết, lúc này chúng ta cần người lao động ở lại với tinh thần lúc khó khăn, hoạn nạn thì không bỏ nhau. Vấn đề là làm sao thôi thúc được họ, bên cạnh yếu tố an sinh đời sống thì việc vận động này rất quan trọng để người ta yên tâm ở lại.

Mạng xã hội có nhiều thông tin đúng nhưng cũng có nhiều thông tin chưa chính xác, gây hoang mang, lo lắng cho người lao động thì thông tin nói lại cho rõ, vai trò của cơ quan báo chí truyền thông chính thống rất quan trọng để làm sao cho người ta yên tâm sản xuất.

Thứ 5, nhanh chóng xây dựng dữ liệu về người lao động ở các tỉnh, lao động các tỉnh ở TP HCM và tăng cường đào tạo, tái đào tạo

Ngoài ra cần nhanh chóng xây dựng nguồn dữ liệu người lao động tại TP HCM và tăng cường đào tạo. Đây là cơ hội để tái cấu trúc người lao động. Con người vẫn là quan trọng nhất, người lao động cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Nhân cơ hội này, trong khó khăn cũng là cơ hội để đào tạo và tái đào tạo để nâng họ lên một bước mới, như một số đại biểu đã nói rằng từng biến người nông dân thành người công nhân thì bây giờ tại sao chúng ta không nhân cơ hội này để nâng người công nhân đơn giản thành người lao động cấp cao, cổ cồn, người lao động có chất lượng cao hơn. Trong các nước Asean, năng suất lao động của người Việt Nam chưa cao thì nay là cơ hội để chúng ta nâng tầm hơn để phục vụ chuyển đổi số thời gian tới.

Thứ 6, như các đại diện doanh nghiệp và lãnh đạo các bộ ban ngành đã nói là làm sao đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có vắc-xin cho người lao động ở các tỉnh, các tỉnh miền Trung cũng như các tỉnh lân cận TP HCM còn công nhân TP HCM đã được chăm lo rất nhiều về mặt vắc-xin rồi.

Ngoài ra, cần bảo đảm cuộc sống cho người lao động ngoại tỉnh như chỗ ở thế nào. Như Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi có nói về trường hợp 1 phòng chỉ 7 m2 mà 5-6 người trong 1 gia đình ở thì quá khó khăn, chật hẹp

Rất cần xây dựng bệnh viện mini trong các khu chế xuất để bảo đảm người lao động được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, còn nếu chưa đủ điều kiện xây dựng bệnh viện thì có thể xây dựng tủ thuốc có cán bộ y tế để chăm lo sức khỏe cho người lao động. Điều này hết sức quan trọng. Trước đây vấn đề sức khỏe không đặt nặng nhưng qua đợt dịch này sức khỏe là số 1 và sự an toàn bảo đảm tính mạng của người lao động phải đưa lên hàng đầu.

Về vấn đề nuôi dạy trẻ cũng rất quan trọng, qua chương trình "Dân hỏi – Thành phố trả lời" tối 30-9, có trường hợp 2 vợ chồng đi làm thì không biết gửi con ở đâu. Đây là thách thức nếu giải quyết được thì người lao động yên tâm cống hiến cho DN rất nhiều. Thay vì vừa làm vừa lo phải xin nghỉ để chăm con.

Điều 7, cần có cơ chế liên thông giữa các tỉnh miền Trung, ĐBSCL và TP HCM cũng như các tỉnh phía Nam. Người lao động trở lại TP HCM, các tỉnh phía Nam một cách thuận lợi, dễ dàng. Hiện đi tàu, đi xe không khó nhưng quy chế đi lại mỗi nơi mỗi khác, thì rất khó cho người lao động. Người lao động không trở lại thì doanh nghiệp cũng không thể sản xuát. Cho nên cần ngồi lại trao đổi, cần có sự liên thông. Tôi nghĩ rằng điều này cần có sự điều phối giữa cấp Chính phủ thì mới dễ dàng, chứ việc không đơn giản.

Thứ 8, tăng cường kết nối cung cầu trên thị trường lao động.

Hôm nay, Báo Người Lao Động công bố cổng kết nối cung cầu trên Người Lao Động điện tử để thấy việc xác định thị trường lao động chắc chắc sôi động và rất cần trong thời gian tới. Nhưng việc kết nối cần tăng cường mẽ hơn để người lao động tìm được việc làm và chủ sử dụng lao động tìm được người lao động. Điều này chúng tôi sẽ góp 1 phần để tăng cường kết nối, giúp kết nối cung cầu ngày càng tốt hơn.

Trong tọa đàm 14-9 về kết nối cung cầu nông thủy sản do Báo Người Lao Động phối hợp UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức, chúng tôi không chỉ tổ chức tọa đàm mà đã kết nối thực tế. Qua kết nối của Báo NLĐ, Gigamall đã tổ chức mua hàng hóa từ các tỉnh miền Tây và các tỉnh phía Nam để cung cấp cho người dân TP HCM ngang giá. Hiện Gigamall đã chi 16 tỉ mua hàng hóa từ các nơi bán cho người dân TP HCM mà không lấy lãi.

Sáng mai, 2-10, đơn vị này sẽ khai trương trung tâm này ở TP Thủ Đức. Điều này chúng tôi mong rằng nó sẽ là ngọn lửa nhóm lên để giúp cho bà con nông dân cùng các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh phía Nam. Việc kết nối cung cầu lao động này sẽ từng bước nhen nhóm lên và mong các doanh nghiệp đồng hành với chúng tôi để làm hiệu quả hơn thời gian tới.

Thứ 9, đó là cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách về BHXH và chăm lo thu hút người lao động

Chúng tôi mong sau sau tọa đàm, các bộ ngành sẽ tiếp tục ngồi lại có chính sách, có thể giải quyết các đề xuất hợp lý của doanh nghiệp. Báo Người Lao Động xin làm cầu nối giám sát để cùng các cơ quan chức năng làm tốt nhiệm vụ này.

Cuối cùng cần tăng cường kết nối, gắn bó giữa các các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, không chỉ ở kết nối về nông sản, nguồn lao động mà quan trọng nhất mà chúng ta hướng đến là chung tay góp sức, đồng lòng vì sự phát triển của TP HCM nói riêng, kinh tế của đất nước nói chung.

Chúng tôi mong các anh chị cùng ngồi lại, đồng tâm đồng sức đồng lòng, vượt qua những khác biệt để như Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nói trong tọa đàm ngày 14-9: "Trước khi sống chung với dịch, chúng ta phải sống chung với nhau".

Chúng ta cùng ngồi lại, gạt bỏ những bất đồng để cùng phát triển TP, phát triển đất nước.

Được đánh giá là một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu hiện nay, Báo Người Lao Động sẽ làm cầu nối đó, chia sẻ với mọi người để cùng chung sức chung lòng, vượt qua mọi khác biệt, kết nối để cùng khắc phục, tái thiết đất nước sau đại dịch.

Hôm 16-9-2021, Báo Người Lao Động đã phát động chương trình "Tình thương cho em" nhằm vận động cộng đồng hỗ trợ, chia sẻ cho con của các công nhân, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chẳng may mất do đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020, 2021. Chỉ trong thời gian ngắn, chương trình đã huy động được hơn 1,6 tỉ đồng, mới đây đã trao tặng cho một số em mồ côi ở TP HCM và một số tỉnh thành, sắp tới sẽ mở rộng diện ra. Mong lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, TP HCM, các tỉnh đồng hành với chương trình để chăm lo cho các cháu tốt hơn.

17:07 ngày 01/10/2021

TS Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH):

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Chúng tôi cũng rất trăn trở những nội dung các đại biểu đề xuất. Về tăng làm thêm giờ, hiện Bộ LĐ-TB-XH đang tổng hợp các đối tượng tác động để nghiên cứu, xem ngành nghề nào thật sự cần thiết để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến việc tăng làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Việc phục hồi sản xuất và tiêm vắc-xin, cần xác định địa bàn trọng tâm trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nền kinh tế, đến thị trường lao động thì cần ưu tiên tiêm vắc-xin. Bên cạnh đó, việc tiêm vắc-xin phải gắn liền với việc cấp chứng nhận thẻ xanh để mỗi người lao động đã được tiêm vắc-xin phải được cấp mã di chuyển an toàn. Có như vậy thị trường lao động mới được lưu thông trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Hiện nay, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. DN cần chủ động tuyển dụng lao động và động viên người lao động quay trở lại làm việc. Nhưng muốn vậy, cần phải tiêm vắc-xin cho người lao động.

DN và NLĐ đều khó khăn. Tuy nhiên, khi NLĐ quay trở lại, DN cần có chính sách hỗ trợ trong bối cảnh họ đã cạn kiệt sau nhiều tháng nghỉ làm. Đó là điều DN nên làm.

Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách để tham mưu chính sách tạo điều kiện cho DN tiếp cận tín dụng để khuyến khích DN tăng cường đầu tư.

Bộ LĐ-TB-XH sẽ chỉ đạo các trường đào tạo, cả nhà nước và tư nhân tập trung đào tạo lao động để cung cấp lao động cho nhu cầu của DN. Bộ hết sức chia sẻ với DN và NLĐ. Chúng tôi mong muốn làm sao để khai thông chuỗi cung ứng lao động, không chỉ lao động phục vụ trong nước mà cả lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thông qua buổi tọa đàm, chúng tôi hết sức trăn trở, lắng nghe và Bộ LĐ-TB-XH, Cục Việc làm sẽ xem xét những ý kiến của các đại biểu để tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp phù hợp.

Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet Corporation:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Có 6 cách để doanh nghiệp giữ chân người lao động trong bối cảnh hiện nay:

- Về thu nhập, lương thưởng cho người lao động là yếu tố quyết giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Doanh nghiệp hiện nay nên linh hoạt về việc chi trả lương thưởng xứng đáng cho người lao động, làm sao để người lao động luôn thoả mãn được nhu cầu của bản thân, từ đó có động lực gắn bó với doanh nghiệp.

- Ngoài lương thưởng thì quan tâm đến phúc lợi cho người lao động là rất quan trọng. Phúc lợi nên linh hoạt và đặt trọng tâm của người lao động vào các chính sách phúc lợi cho người lao động. Hiện người lao động rất quan tâm đến sức khoẻ nên doanh nghiệp nên đầu tư vào vấn đề này, chẳnG hạn dịch vụ bác sĩ riêng cho người lao động. Doanh nghiệp nên lắng nghe ý kiến của người lao động trước khi ban hành các chính sách về phúc lợi.

- Người lao động, đặc biệt là lao động trẻ quan tâm đến chính sách làm việc linh hoạt. Nghĩa là vừa làm việc tại văn phòng kết hợp làm việc tại nhà. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn chuyển đổi số nên việc quản trị việc làm cần linh hoạt để kích thích sự sáng tạo của người lao động.

- Đẩy mạnh đào tạo, tái đào tạo, trong đó chú ý đến đào tạo các kỹ năng mới, kỹ năng công nghệ…Số hoá để người lao động nâng cao tay nghề và thích ứng nhanh với sự thay đổi của công việc và đời sống.

- Xây dựng văn hoá doanh nghiệp bền vững, giúp gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp. Làm sao gắn kết người lao động với nhau kể cả gắn kết với người thân của người lao động.

- Doanh nghiệp cũng nên chia sẻ với người lao động về mục tiêu phát triển để người lao động có động lực, mục tiêu gắn kết dài lâu. Doanh nghiệp cần viết nên một câu chuyện với sứ mệnh đóng góp cho xã hội những gì để người lao động nhìn vào đó mà phần đấu vì mục tiêu chung.

Xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà sẽ phát triển trong thời gian tới. Vì thế kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH xem xét bổ sung các văn bản pháp luật về việc bảo vệ người lao động làm việc online tại nhà vì hiện tại chưa có trong luật lao động. Trong đó có việc người nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng ngồi tại nước của người lao động…

17:03 ngày 01/10/2021

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để NLĐ trở lại

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Vấn đề lao động, việc làm là vấn đề được các cấp lãnh đạo, trong đó có lãnh đạo TP HCM rất quan tâm để phục hồi phát triển kinh tế. TP HCM đã chi gần 12.000 đồng để làm công tác an sinh, nhưng đó chỉ là trước mắt.

Vấn đề thứ hai, TP quan tâm việc tiêm vắc-xin. Tới đây, TP tiếp tục ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; sau đó ưu tiên tiêm cho người trên 55 tuổi, thứ ba là tiêm cho công nhân lao động và trẻ em.

Vấn đề thứ ba, lao động nước ngoài rất quan trọng - họ là nhà quản lý, chuyên gia, lao động chất lượng cao. TP đang cấp phép 27.000 lao động của 141 quốc gia, vùng lãnh thổ đang làm việc tại TP HCM.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Sở sẽ tiếp tục tạo điều kiện để lao động nước ngoài nhập cảnh thuận lợi hơn. Sở LĐ-TB-XH TP HCM cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lao động các tỉnh trở lại làm việc tại TP HCM.

16:43 ngày 01/10/2021

Cấp bách tìm nguồn vắc-xin cho lao động doanh nghiệp gỗ

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Ngành gỗ tại TP HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai với hơn 130.000 người lao động chưa được tiêm vắc-xin khiến việc mở lại nhà máy của các doanh nghiệp gỗ gặp nhiều khó khăn.

Hiện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM đang tìm nhiều hướng để tìm kiếm nguồn vắc-xin để tiêm cho người lao động. Đây là vấn đề rất cấp bách nhất của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM bởi đơn hàng xuất khẩu còn rất lớn.

Khó khăn thứ 2 mà Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM đang gặp phải là việc đi lại giữa TP HCM và các tỉnh lân cận. Việc này đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, doanh nhân, người lao động đi lại làm việc, khôi phục sản xuất vì đặc thù ngành gỗ nhà máy thường nằm xa khu dân cư, thường nằm các tỉnh lân cận TP HCM.

Về lâu về dài, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM mong muốn các Bộ, ngành có các giải pháp dài hạn về đào tạo nghề, trong đó có nghề mộc. Hiện các doanh nghiệp hiện phải bỏ ra 100% chi phí, thời gian để đào tạo người lao động nên rất cần Nhà nước hỗ trợ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH xem xét để xây dựng nơi lưu trú an toàn, sạch sẽ cho người lao động. Hiện việc an cư cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức.

16:27 ngày 01/10/2021

Lập quỹ chăm lo cho người lao động trong đại dịch

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Ngành dệt may thêu đan TP HCM cũng như các hội ngành khác rất vui mừng khi chính quyền cho mở cửa trở lại theo tinh thần "an toàn tới đâu, mở cửa tới đó". Hiện các DN dệt may thêu đan TP HCM đang ráo riết chuẩn bị để đón người lao động quay trở lại.

Có thể từ thứ 2 tuần tới sẽ đồng loạt hoạt động trở lại sau khi được thẩm định về độ an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Bên cạnh niềm vui đó là sự lo lắng về nguồn lao động có thể thiếu hụt do rất nhiều lao động đã về quê. Tuy nhiên, số DN trong Hội lo lắng về vấn đề lao động không nhiều. Qua khảo sát của Hội, phần lớn người lao động làm việc trong ngành dệt may, thêu đan có sự gắn bó lâu năm, người lao động có sự chia sẻ với DN rất cao nên việc họ có về quê cũng có thể sớm quay trở lại.

Các DN trong Hội cho biết sẽ có khoảng 70%-80% số lượng người lao động sẽ quay lại làm việc trong thời gian tới. Nguồn đơn hàng của các DN cũng khá dồi dào nên việc gia tăng sản xuất sẽ diễn ra trong Quý IV.

Riêng Công ty CP May Sài Gòn 3 hiện có 2.500 công nhân và đã tiêm mũi 1 vắc-xin đạt 100%, có 70% đã tiêm mũi 2. Đây là cơ sở quan trọng để công ty bước vào giai đoạn sản xuất an toàn sau 30-9.

Đại dịch đã khiến cho lãnh đạo Công ty CP May Sài Gòn 3 có cái nhìn sâu hơn về việc chăm sóc sức khoẻ cho người lao động. Chúng tôi đã lập quỹ chăm lo cho người lao động trong suốt thời gian đại dịch diễn ra bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Tính đến thời điểm hiện nay, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam có khoảng hơn 40.000 lao động đã tiêm vắc-xin mũi 1 và khoảng 20.000 lao động đã tiêm vắc-xin mũi 2.

Về vấn đề khan hiếm lao động, chúng tôi đã gặp khó khăn từ năm 2020 nên rất quan tâm đến việc giữ chân người lao động. Do vậy, từ tháng 6, công nhân không đi làm được, công ty vẫn cố gắng trả lương cho họ. Đến tháng 9, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng BHXH cho người lao động.

Tuy nhiên, hiện nay, công nhân đang rất hoang mang không biết khi nào được trở lại làm việc. Thực tế những tháng qua họ đã rất vất vả để duy trì cuộc sống. Vì vậy, ngay khi thông tin TP HCM nới lỏng giãn cách được đưa ra, công ty đã bố trí xe để đưa rước công nhân giữa TP HCM và các tỉnh.

Để doanh nghiệp có thể tái sản xuất, chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho người lao động đã tiêm vắc-xin mũi một, mũi hai hoặc F0 đã hồi phục được đi làm trở lại.

Doanh nghiệp cũng mong rằng TP sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho NLĐ ở các tỉnh nhưng làm việc tại TP HCM được tiêm vắc-xin để họ được đi làm trở lại. DN sẽ cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng chống dịch. Đồng thời, cấn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người lao động, làm sao để họ có ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng. Cần chính sách hỗ trợ người lao động trở lại

16:24 ngày 01/10/2021

Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Đến thời điểm này, thành phố đã nới lỏng giãn cách và mở cửa để từng bước phục hồi kinh tế. Vấn đề mà NLĐ mong muốn nhất là được tiêm vắc-xin đầy đủ, được làm việc trong một môi trường an toàn. Bên cạnh đó, người lao động cũng quan tâm đến an toàn của con em họ.

Về vấn đề đảm bảo nguồn nhân lực trên địa bàn TP HCM, LĐLĐ TP cho rằng cần phải có chủ trương, giải pháp, kế hoạch của thành phố cũng như của DN để đón công nhân trở lại, không để công nhân tự phát đi và về. Bên cạnh đó, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để công nhân ở các tỉnh giáp ranh, đã đủ điều kiện về việc tiêm vắc-xin được đi lại để làm việc.

Về phía người sử dụng lao động, cần phải có chính sách trong ngắn hạn hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, bởi sau thời gian dài giãn cách, cuộc sống của họ đều rất khó khăn nên rất có các chính sách hỗ trợ như túi an sinh, hỗ trợ chi phí tiền nhà trọ… để họ an tâm làm việc.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Ngoài ra, các DN có người lao động được hỗ trợ theo Nghị Quyết 68 và các chính sách hỗ trợ khác cần đẩy nhanh tiến độ để người lao động được hưởng các chính sách này do hiện nay số lượng người lao động đã nhận hỗ trợ còn rất hạn chế do thời gian giãn cách quá dài.

Điều quan trọng khác để DN tái sản xuất an toàn là bố trí các nguồn lực để tái sản xuất, làm tốt công tác phòng dịch và có kịch bản cụ thể cho các tình huống phát sinh đồng thời cần quan tâm đào tạo và đào tạo lại tay nghề trong trường hợp biến động lao động.

Về phía tổ chức Công đoàn TP, LĐLĐ TP sẽ tiếp tục chỉ đạo trong hệ thống tuyên tuyền nhanh, chính xác nhất đường lối, chủ trương, chính sách hỗ trợ để người lao động nắm và chấp hành tốt đồng thời vận động người lao động tiếp tục ở lại TP để làm việc và hưởng các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, Công đoàn cơ sở phải tham gia cùng với DN xây dựng phương án sản xuất sao cho an toàn nhất cho người lao động.

16:17 ngày 01/10/2021

Đón lao động trở lại như đón người thân về với gia đình doanh nghiệp

TS Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của DN, đặc biệt vấn đề thiếu hụt nhân lực. Để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3-9 tháng, còn để khôi phục nguồn nhân lực, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, những vị trí lao động kỹ thuật, phụ trách chuyên môn sẽ phải gặp khó khăn và thời gian gấp 3 lần như thế. Đây là vấn đề thực sự nan giải cần sự nỗ lực chung của tất cả các bên.

Thay mặt lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, tôi đề xuất 1 số giải pháp, kiến nghị vấn đề này như sau. Giải pháp trước mắt cần tập trung ưu tiên 5 nội dung để đạt được 2 chữ "an tâm": an tâm đi lại, sinh sống và làm việc.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Cùng với đó là thực hiện tiêm vắc-xin đầy đủ cho NLĐ. Thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch của cơ quan y tế. Chủ động thực hiện và phối hợp với tổ chức Công đoàn tuyên truyền, vận động NLĐ tích cực làm việc, quay lại DN tạo sự an tâm, đồng thuận của NLĐ và gia đình họ.

Kết nối với tổ chức Công đoàn và chính quyền, đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của CNLĐ để phối hợp thông tin tới CNLĐ về sự bảo đảm an toàn sức khoẻ cũng như cam kết của DN và địa phương nơi đến để CNLĐ và gia đình và con em của họ an tâm.

DN có thể thông qua mạng xã hội, điện thoại, zalo… hoặc gửi thư kêu gọi cho từng NLĐ và gia đình họ, đồng thời phối hợp để tổ chức đón họ từ quê ra như đón người thân trở về với gia đình là DN.

DN cần công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động… cho NLĐ. Có chính sách khuyến khích đặc biệt cho những NLĐ gắn bó với DN lúc khó khăn đặc biệt này này.

DN phải nghiêm túc đầu tư và kiện toàn đầy đủ nhân lực, thiết bị của bộ phận y tế, bộ phận phụ trách an toàn, vệ sinh lao động tại DN theo quy định. Cải tạo, nâng cấp để cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt của NLĐ được tốt hơn. Tạo sự an tâm cho NLĐ và nâng cao sự ứng phó của DN trước các diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch.

Về giải pháp lâu dài, cần tập trung ưu tiên 5 nội dung: sớm triển khai các vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện đầy đủ nhằm đạt mục tiêu chính là chữ TỐT: Việc làm – Cuộc sống TỐT.

Quan tâm và bảo đảm tiền lương, phúc lợi và các chế độ với NLĐ phải bảo đảm đủ sống, có tích luỹ và phải có tác dụng kích thích, thu hút NLĐ gắn bó lâu dài với DN.

Vấn đề nhà ở, ký túc xá đủ điều kiện và phù hợp với đặc điểm của CNLĐ cho NLĐ và gia đình ở. Tiếp tục khuyến khích và có giải pháp phù hợp để DN đầu tư xây dựng ký túc xá cho NLĐ. Tiếp tục tháo gỡ và thực hiện chủ trương xây dựng các thiết chế công đoàn, đặc biệt tại các khu công nghiệp và tại các địa bàn có đông CNLĐ.

Phải quan tâm đặc biệt tới lưới an sinh xã hội, vấn đề việc làm và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, trong đó có CNLĐ. Tiếp tục quan tâm giải quyết vấn đề phúc lợi cho CNLĐ. Trong đó, cần thiết kế các chế độ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế trong CNLĐ

15:59 ngày 01/10/2021

Phiên trao đổi thứ hai: GIẢI PHÁP & KẾT NỐI

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Trước tiên, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến của Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm này để các bên cùng tìm ra giải pháp phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

Bộ LĐ-TB-XH cũng cảm ơn ý kiến của các DN, hiệp hội đã nêu ra, chúng tôi xin tiếp thu để hoàn thiện, từ đó đưa ra những giải pháp, chính sách trong thời gian tới. Trong nhiều tháng qua, người dân, DN ở 19 tỉnh, thành phía Nam đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Chúng tôi xin chia sẻ với chính quyền, nhân dân, người lao động, công nhân ở 19 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có TP HCM.

Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 gặp phải. Trong số này, những người bị ảnh hưởng về việc làm chiếm 2/3, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do DN đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ.

Thị trường lao động rất ảm đạm. Từ ngày 22-8 đến nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, DN như Nghị quyết 42 gói 62.000 tỉ đồng; Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Chúng tôi đánh giá rất cao động thái của rất nhiều DN đã chăm lo cho công nhân, trong đó nhiều DN ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đảm bảo tiền lương tối thiểu cho NLĐ để giữ chân NLĐ.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Tổng 4 gói mà Chính phủ đã hỗ trợ người dân và DN là khoảng 10,2 tỉ USD, tương đương 2% GDP. Đây là những chính sách rất kịp thời. Ngoài ra hỗ trợ 135.000 tấn gạo cho các tỉnh, thành phía Nam.

TP HCM cũng đã tung ra các gói hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chúng tôi rất cảm động khi nhiều DN, người dân chung tay cùng chính quyền để đảm bảo an sinh xã hội.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, chúng tôi đồng tình rất cao. Theo đó, sắp tới phải tiếp tục tiêm vắc-xin để sản xuất an toàn, thu hút lao động; cần xây dựng năng lực y tế để mạnh nhằm điều trị kịp thời các ca F0; cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để NLĐ yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng cho NLĐ.

Đối với DN, cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân. Giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của NLĐ để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch. Chính sách an sinh là điều vô cùng quan trọng để giữ chân người lao động.

15:39 ngày 01/10/2021

Chỉ 40% lao động mong muốn trở lại làm việc

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn:

Đầu tháng 9, chúng tôi, một nhóm khoảng 300 DN, đa số sản xuất công nghệ phụ trợ và các sản phẩm thiên về kỹ thuật đã có cuộc khảo sát để chuẩn bị nhân lực cho tháng 10 thì kết quả chúng tôi nhận được là có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi mở cửa. Như vậy, số lượng lao động mong muốn trở lại làm việc là không cao.

Hiện nay có thể chia lực lượng lao động thành 4 nhóm: lực lượng làm trong các DN FDI, nhóm lao động làm trong các khu công nghiệp, nhóm lao động làm việc ngoài khu công nghiệp và lao động tự do.

Trong đó, hai nhóm đầu là lực lượng lao động kỹ thuật tương đối ổn định, trong đợt dịch vừa qua không bị ảnh hưởng quá nhiều về thu nhập, tỉ lệ dịch chuyển thấp hơn. Tuy nhiên, cả 4 nhóm này đều tập trung sống ở các xóm trọ, trong thời điểm giãn cách, hầu hết đều ở tại nơi trọ toàn thời gian khiến không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K. Qua đó, phát sinh rất nhiều F0, F1.

Sống trong môi trường như vậy, nhiều người lao động sẽ muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do (có đến 70%-80% là ở các tỉnh, thành), họ không được mua bảo hiểm, việc tiếp cận công nghệ cũng chậm, việc tiêm vắc-xin cũng đi sau các nhóm lao động khác. Mà cho đến nay, chúng ta cũng chưa có dữ liệu về số người lao động tự do đang làm việc tại TP.

Theo tôi, TP cần xây dựng dữ liệu về các nhóm lao động đang làm việc tại TP HCM. Mặt khác, từ thực trạng các nơi ở không bảo đảm của người lao động hiện nay, để bảo đảm nguồn lực lao động tại TP HCM, trong tương lai, TP cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do không thuộc tổ chức nào.

Ngoài ra, cộng đồng DN phải truyền thông thường xuyên với người lao động, mời họ trở lại bằng các thông tin cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn các biện pháp an toàn phòng chống dịch (xét nghiệm, tủ thuốc F0…) để họ an tâm trở lại làm việc. Theo tôi, mỗi khu công nghiệp cần có một bệnh viện dã chiến mini để công nhân trong môi trường nhiễm bệnh có thể được điều trị. Việc được điều trị khiến họ an tâm hơn rất nhiều.

15:34 ngày 01/10/2021

Chăm lo tốt để giữ chân người lao động trong đại dịch

Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực và Thực phẩm TP HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Công ty Thủy hải sản Sài Gòn có 400 lao động. Khi thực hiện sản xuất "3 tại chỗ", công ty có 200 lao động tham gia. Công ty nhận thấy nếu làm không tốt, chăm lo không tốt cho người lao động thì sau đại dịch, nguy cơ thiếu lao động sẽ rất cao. Vì thế, khi thực hiện "3 tại chỗ", ban lãnh đạo công ty cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người lao động. Công ty chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn, thêm rau, thêm trái cây để tăng cường sức khoẻ cho người lao động.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch
Chăm lo cho người lao động tại Công ty Thủy hải sản Sài Gòn

Mặt khác, với những người lao động của công ty không tham gia "3 tại chỗ" đang ở nhà, ở trọ, công ty cũng tiến hành các công việc chăm lo như việc đi chợ hộ cho người lao động ở nhà để giúp họ tránh tiếp xúc, tránh lây nhiễm, yên tâm ở nhà phòng chống dịch.

Trong suốt đợt dịch, Công ty Thủy hải sản Sài Gòn có 15 ca F0 cả ở nhà và cả ở công ty. Tuy nhiên, do công ty đã tiếp cận và tiêm vắc-xin cho người lao động từ rất sớm nên các ca F0 đều bình an. Hiện tại đa số người lao động của Công ty Thủy hải sản Sài Gòn đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Theo thống kê, chỉ có khoảng 20 trong tổng số 400 lao động của công ty về quê, số này sẵn sàng quay lại nhà máy trong nay mai. Hôm nay 1-10, 300/400 người lao động của công ty đã quay lại làm việc sau khi mọi khâu chuẩn bị an toàn phòng chống dịch được thực hiện kỹ.

15:15 ngày 01/10/2021

43.000 công nhân chờ tiêm vắc-xin mũi 2

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp KCN TP HCM:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Như chúng ta thấy ngày 30-9 là ngày rất vui đối với nhân dân TP, qua 3 tháng "ai ở đâu ở yên đó", TPHCM đã tháo dỡ các rào chắn để người dân có thể bắt đầu đi làm việc trở lại.

TP HCM có 1500 nhà máy, doanh nghiệp lớn, trong đó có 700 nhà máy áp dụng "3 tại chỗ" với 70.000 công nhân để tiếp tục sản xuất. Trong số 800 doanh nghiệp đóng cửa thì có nhiều doanh nghiệp có những hình thức giữ chân người lao động như trả lương tối thiểu cho công nhân dù nghỉ làm việc.

Sau khi TP nới giãn cách, hiện đã có nhiều doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện để hoạt động trở lại.

Tôi cho rằng chính quyền, người dân và doanh nghiệp phải đồng hành với nhau để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra trong bối cảnh bình thường mới.

Trong 8 tháng hoạt động 3 tại chỗ với 70.000 công nhân, nhiều doanh nghiệp đã rất quyết liệt với nhiều chế độ phúc lợi để giữ chân công nhân lao động tiếp tục sản xuất. Khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỉ USD.

"Điều này cho thấy quyết tâm của các doanh nghiệp, vừa không để đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu vừa giữ chân người lao động".

Tuy nhiên, trong số 700 DN đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục muốn mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Hiện có khoảng 43.000 công nhân đang sinh sống quanh khu vực Đông Nam Bộ đã được TP HCM tiêm mũi 1 vắc-xin đủ 12 tuần. Nếu không được tiêm tiếp mũi 2 sẽ hết hạn.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch
Theo dõi sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 tại Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam

Tiêm vắc-xin là tốt nhất để phục hồi lại thị trường lao động. Chính vì vậy đề nghị tiêm vắc-xin mũi 2 cho số lao động này để họ được cấp thẻ xanh để phục vụ sản xuất.

15:03 ngày 01/10/2021

Đón người lao động về, tổ chức tiêm vắc-xin mũi 2

Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza):

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Đầu năm 2021, tổng số người lao động làm việc trong các KCX-KCN tại TP HCM là 288.000. Khi dịch bệnh bùng phát và phải thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" thì chỉ có 720 DN thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" với 64.000 người lao động tham gia.

Tính đến thời điểm này, các DN sản xuất "3 tại chỗ" hay "1 điểm đến 2 cung đường" cũng bắt đầu gặp khó khăn vì chi phí quá lớn. Tất cả các DN đang muốn mở của hoạt động nhưng gặp khó khăn về nguồn cung lao động và nguồn cung nguyên vật liệu do đứt gãy nguồn cung.

Thống kê của Hepza cho thấy có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TP HCM đã về quê, trong đó chủ yếu là những người lao động về quê lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu... Như vậy, với khoảng cách địa lý không quá xa, số lao động này có khả năng quay lại làm việc là khả quan.

Tín hiệu đáng mừng là đã có 242.000 người lao động trong các KCX-KCN tại TP HCM đã được tiêm vắc-xin mũi 1 và trên 24.000 người lao động đã được tiêm mũi 2.

Hiện Hepza đang ưu tiên phối hợp với chính quyền TP HCM và các tỉnh thành khác để đón người lao động quay lại làm việc và cách đưa đón sao cho thuận lợi nhất cho người lao động. Khi đón về sẽ tổ chức tiêm vắc-xin mũi 2 cho số lao động này.

Tiếp đến, Hepza sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB-XH TP HCM để khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các DN để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, sử dụng người lao động. Hepza cũng đề xuất với TP HCM về nhà lưu trú cho người lao động, theo hình thức nhà nước và DN cùng làm. Đây là cơ sở để có thể xác định sống chung với dịch bệnh, ổn định sản xuất dài lâu cho DN.

14:55 ngày 01/10/2021

Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương:

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

TP HCM là địa phương có số lao động đông và số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhưng xét về tỉ lệ, có thể nói tỉ lệ nhiễm Covid-19 ở tỉnh Bình Dương cao hơn so với TP HCM.

Dân số 2,6 triệu người, trong đó số người nhiễm khoảng 200.000 người (chiếm tỉ lệ hơn 7%). Điều đó ảnh hưởng khá lớn đến tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn.

Những ngày gần đây, tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc, nhất là các đối tác của thương hiệu ADIDAS, các DN này sử dụng khá đông lao động. Điều các DN này quan tâm nhất hiện nay phải cho hoạt động lại trong thời gian sớm nhất, việc tiêm vắc-xin và xét nghiệm và phải cho đi lại. Sau khi đi vào hoạt động, vấn đề cung ứng nguồn lao động sẽ là vấn đề được ưu tiên quan tâm.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Theo dự báo, đối với Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động. Bình Dương hiện có số lao động khoảng 1,2 triệu người với khoảng 50.000 DN. Số DN tham gia BHXH 17.500, người lao động tham gia BHXH khoảng hơn 1,053 triệu người. Thời gian qua, chỉ có khoảng 3.500 lao động 3 tại chỗ với khoảng 250.000 người, như vậy khoảng 750.000 người phải ngừng việc.

Hiện các DN đang bắt đầu làm thủ tục để tiến hành hoạt động lại. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt vấn đề cung ứng lao động cho DN để phục hồi sản xuất, tỉnh Bình Dương đã tiến hành nhiều giải pháp.

Đó là thực hiện tốt công tác an sinh xã hội mà Bình Dương đã làm trong thời gian qua. Đến nay, Bình Dương đã chi hỗ trợ nhà trọ, nhu yếu phẩm cho người dân và công nhân lao động với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, chi hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền khoảng 900 tỉ.

Sắp tới, Bình Dương tiếp tục chi hỗ trợ cho khoảng 300.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là giải pháp đảm bảo cuộc sống cho người lao động trong điều kiện khó khăn hiện nay, giúp họ gắn bó với DN và gắn bó với địa phương.

Ngoài ra, khi DN bắt đầu hoạt động, tỉnh sẽ triển khai Nghị quyết 68 về hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho người lao động, đồng thời chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm kết nối chặt chẽ với DN để kết nối người lao động nhanh chóng tìm được việc làm và giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho DN. Khi dịch bệnh được kiểm soát, giao thông được kết nối, tỉnh sẽ kết nối với các tỉnh, thành để điều tiết cung cầu lao động giữa các địa phương, đảm bảo vấn đề việc làm cho người lao động.

14:41 ngày 01/10/2021

TP HCM: 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM: Sáng kiến rất hay của Báo Người Lao Động.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Về thị trường lao động của TP HCM, hiện có trên 470.000 DN đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 DN FDI với trên 3,2 triệu công nhân. Nhưng qua tác động của dịch Covid-19 trong 5 tháng vừa qua đã tác động rất mạnh đến doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ…

Trong 5 tháng qua, chỉ có 70 DN hoạt động "3 tại chỗ" với 600.000 lao động, trong khi đó 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương.

Ở TP HCM, DN vừa và nhỏ chiếm 98% nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông. Hầu hết các DN chịu không nổi, nhiều DN phá sản.

Hiện TP HCM có 17 KCN-KCX với 1.600 DN với 322.000 công nhân cũng rất khó khăn và không thể duy trì "3 tại chỗ" vì chi phí quá lớn. Rồi lao động tự do với 660.000 người bị ảnh hưởng rất lớn.

Về cung ứng lao động, 5 tháng qua tỉ lệ lao động nghỉ làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 100.000 người và 500.000 lao động nghỉ làm. Tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 1 trên 95%, mũi 2 gần 50% cho người dân sống trên địa bàn.

Để đáp ứng nhu cầu lao động, chúng tôi cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức kết nối cung cầu lao động với Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực để đảm bảo việc làm cho bà con.

Muốn sản xuất an toàn phải đảm bảo 32 tiêu chí trong bộ tiêu chí của TP HCM cũng như các khuyến cáo của Bộ Y tế. TP HCM chia làm 3 giai đoạn để phục hồi kinh tế với tinh thần rất thận trọng.

14:24 ngày 01/10/2021

Phiên trao đổi thứ nhất: NỖI KHỔ THIẾU NHÂN CÔNG

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu hồi phục tổng thể do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Một số ít doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc “4 xanh”, còn lại đa số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, tạm thời cho người lao động nghỉ việc.

Thị trường lao động TP HCM ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của dịch bệnh, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập. Tuy nhiên, để duy trì lượng đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũ cũng như tuyển dụng lao động bổ sung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, toàn thành phố có 4.818.901 lao động đang làm việc, trong đó lao động đang làm việc đã qua đào tạo chiếm 85,12%.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM đã thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của 56.985 lượt doanh nghiệp với 135.855 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực Thương mại – Dịch vụ chiếm 81,61% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực Công nghiệp – Xây dựng chiếm 18,26%; khu vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản chiếm 0,12%.

Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 72,24% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động qua đào tạo chiếm 85,73% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 20,76%, cao đẳng chiếm 20,80%, trung cấp chiếm 29,17%, sơ cấp chiếm 15,00%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,27%.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch
Sản xuất 3 tại chỗ Công ty TNHH Pepperl Fuchs - KCX Tân Thuận

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp khác đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, đặt ra việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp là một vấn đề trọng yếu.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì hoạt động, doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, với việc nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, tăng cường công tác tiêm ngừa vắc-xin Covid-19, cùng với sự hỗ trợ của thành phố trong việc chuẩn bị phương án đón người lao động ở các tỉnh/thành thuận tiện, an toàn quay trở lại làm việc, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ có nhiều khả quan hơn, kỳ vọng thị trường lao động thành phố sẽ từng bước phục hồi và sớm khởi sắc trở lại, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, cuối năm là khung thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Song song đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa (trước, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần), hoặc sau giãn cách cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới.

Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV năm 2021 cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc, nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian, tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - Thương mại; Dịch vụ phục vụ cá nhân, Bảo vệ; Công nghệ thông tin; Cơ khí – Tự động hoá; Vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng; Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng; Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn; Kỹ thuật điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp – Điện tử; Công nghệ lương thực – Thực phẩm; Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng; Dệt may – Giày da;…

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo của Quý IV năm 2021 chiếm 87,19% tổng nhu cầu nhân lực; trong đó, nhu cầu tuyển dụng ở trình độ Đại học trở lên chiếm 21,07%; Cao đẳng chiếm 19,81%; Trung cấp chiếm 26,35%; Sơ cấp chiếm 19,96%. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 12,81% tổng nhu cầu nhân lực.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

14:01 ngày 01/10/2021

Các khách mời tham dự chương trình

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Về phía Trung ương:
+ Ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH
+ Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH
+ Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
+ Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Về phía TP HCM và các tỉnh - thành:
+ Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM
+ Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, ông Phạm Chí Tâm
+ Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, ông Võ Văn Binh
+ Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An, ông Nguyễn Đại Tánh
+ Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Quí Quý
+ Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tấn Đối
+ Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định, ông Đặng Văn Phụng
+ Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên
+ Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), ông Phan Kỳ Quan Triết (cùng 2 trưởng phòng chuyên môn của FALMI)

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch

Về đại diện các BQL, BGĐ KCN-KCX:
+ Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza); cùng bà Nguyễn Hồng Liên, Trưởng Phòng Lao động Hepza
+ Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp KCN TP HCM
+ Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận
+ Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tân Tạo
Về phía các hiệp hội, hội ngành nghề và doanh nghiệp: + Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn
+ Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3
+ Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM
+ Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực và Thực phẩm TP HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn
+ Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt
+ Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam
+ Bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet Corporation
+ Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc Nhân sự Công ty Navigos
+ Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP HCM, Giám đốc đối ngoại Công ty Intel Việt Nam
Về phía các đơn vị tài trợ, đồng hành với tọa đàm: + Đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank)
+ Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gigamall Việt Nam

Về phía đơn vị chủ trì tọa đàm:

+ Nhà báo, tiến sĩ Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động – chủ trì tọa đàm.

Chương trình còn có sự tham dự của đại diện các cơ quan báo, đài Trung ương, TP HCM và Hà Nội gồm: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Báo Chính phủ, Đài Truyền hình TP HCM (HTV), Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH), Báo Sài Gòn Giải Phóng, Vietnamnet, Website Thành ủy TP HCM, VnExpress, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Lao động, Dân trí, Pháp luật TP HCM, Phụ nữ TP HCM, Hà Nội Mới.

Nguồn nhân lực lao động cho TP HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch
Lãnh đạo LĐLĐ TP HCM chăm lo cho người lao động trong đợt dịch thứ 4


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: