Chủ động chuẩn bị các hoạt động phục hồi kinh tế sau dịch

Thứ năm, 12 Tháng 8 năm 2021
In

Chủ động chuẩn bị các hoạt động phục hồi kinh tế sau dịch
Công nhân Công ty Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) được tổ chức ăn nghỉ tại nhà máy. (Ảnh: sggp.org.vn)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Ngày 10/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó đặt mục tiêu TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Như vậy, trong khoảng 5 tuần, thành phố phải nỗ lực cao độ để kéo giảm người nhiễm bệnh đến mức thấp nhất, không để phát sinh các ca nhiễm mới, đồng thời phấn đấu tăng cao nhất tỷ lệ điều trị khỏi các ca nhiễm bệnh. Với số ca nhiễm đang có dấu hiệu giảm trong vài ngày gần đây (biểu đồ có xu hướng đi ngang), khoảng thời gian đó được coi là khoảng thời gian phù hợp để hoàn thành mục tiêu đó; nhưng nếu nhìn diễn tiến của dịch bệnh từ cuối tháng 4 đến nay thì 5 tuần vẫn có thể là thời gian khá ngắn để đạt được mục tiêu. Điều đó cho thấy toàn bộ hệ thống chính trị phải nỗ lực rất lớn, từng người dân phải có ý thức trách nhiệm cao để cùng nhau thực hiện thành công các biện pháp phòng chống dịch.

Từ trước đó, ngày 23/7/2021, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập Tổ Tư vấn về chính sách phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế cho TPHCM (gọi tắt là Tổ Tư vấn). Tổ gồm 8 thành viên do TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) làm Tổ trưởng và TS. Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TPHCM) làm Tổ phó. Các thành viên của Tổ gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đến từ các trường như Đại học Luật TPHCM, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Fulbright Việt Nam, Đại học Y dược TPHCM. Nhiệm vụ của Tổ là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể cho Chủ tịch UBND TPHCM để lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác chống dịch, phục hồi sản xuất góp phần thực hiện "mục tiêu kép". Tổ được bảo đảm tính độc lập, khách quan, khoa học và chịu trách nhiệm về nội dung, ý kiến tư vấn, đề xuất.

Thời điểm thành lập Tổ Tư vấn thì dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp, nên có một số ý kiến cho rằng lãnh đạo thành phố làm việc “lạ đời” là mời nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực kinh tế, luật tham gia Tổ. Trên thực tế, Tổ làm nhiệm vụ tư vấn cho lãnh đạo thành phố để thực hiện “mục tiêu kép” tức là vừa bảo đảm công tác phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế sau dịch. Đó là một sự chuẩn bị chủ động và cần thiết, dù trước mắt dịch đang bùng phát nhưng nhất định sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, đến lúc ấy, phải tập trung cho công tác phục hồi kinh tế. Nếu không “lo xa” thì đến khi tiến hành có thể lúng túng, mất thời gian…

Ngay lúc này, mục tiêu kép vẫn là một nhiệm vụ quan trọng, dù có lúc có nơi đặt nặng nhiệm vụ phòng chống dịch nhưng các hoạt động kinh tế vẫn được duy trì ở mức độ an toàn và hợp lý. An toàn là nhiệm vụ hàng đầu với các biện pháp thực hiện giãn cách, bảo hộ, tiêm vaccine ngừa Covid cho người lao động… Hợp lý là chọn lựa hoạt động nào và được duy trì với mức độ nào, số người lao động cụ thể bao nhiêu, thực hiện trong thời điểm nào, gắn kết với các nguồn cung cấp nguyên liệu (nhất là liên quan đến các địa phương bạn) và nhu cầu về sản phẩm đó của thành phố ra sao…

Chủ động chuẩn bị các hoạt động phục hồi kinh tế sau dịch
Công ty Nidec Sankyo tại Khu Công nghệ cao TP.HCM dựng lều cho công nhân để thực hiện "3 tại chỗ". (Ảnh: zingnews.vn)

Thời gian qua, một số nơi thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) và 1 cung đường 2 địa điểm (1 cung đường vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi sản xuất, làm việc; 2 địa điểm là nơi ở của công nhân và nơi sản xuất, trụ sở doanh nghiệp) đã phát huy được hiệu quả nhất định. Nhờ đó, một số hoạt động kinh tế của thành phố vẫn được duy trì, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của thành phố, không làm đứt quãng chuỗi sản xuất, đồng thời bảo đảm thu nhập cho một bộ phận người lao động.

Một trong hai nội dung quan trọng của TPHCM trong năm 2021 được nêu thành chủ đề năm là vấn đề “cải thiện môi trường đầu tư”. Đến thời điểm này, do công tác phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu nên các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư có thể chưa được thực hiện đầy đủ. Vì vậy, các ngành có liên quan, các địa phương cần quan tâm rà soát và điều chỉnh các giải pháp để thực hiện ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, để góp phần phục hồi kinh tế của thành phố.

Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng cần nắm chắc thực trạng hoạt động, năng lực và các điều kiện cụ thể của các lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp của thành phố để có biện pháp tác động phù hợp. Chẳng hạn, sự thiếu hụt lao động do nhiều công nhân trở về quê trong thời gian diễn ra dịch bệnh thì các giải pháp cần quan tâm triển khai là gì (thu hẹp sản xuất hoặc cải tiến công nghệ để đẩy mạnh tự động hóa…), việc hạn chế lưu thông dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu hoặc khó khăn trong nhập thiết bị… thì tháo gỡ ra sao, các giải pháp hỗ trợ vốn đối với từng nhóm doanh nghiệp nên được thực hiện thế nào… Hay vấn đề miễn, giảm, giãn thuế đối với các doanh nghiệp cũng cần được nghiên cứu kỹ để góp phần thúc đẩy năng lực sản xuất của doanh nghiệp và bảo đảm thu nhập cho người lao động. Kể cả việc phối hợp giữa các địa phương trong lưu thông hàng hóa cũng cần được thực hiện hợp lý trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng chống dịch (nhất là trong điều kiện tình hình dịch ở các địa phương có thể còn khác nhau) nhưng không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đến các hộ sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ trên địa bàn để xác định đúng thực trạng, từ đó có giải pháp hoặc đề xuất giải pháp phù hợp. Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất phải nắm chắc tình hình của các doanh nghiệp thuộc mình quản lý để có các biện pháp tác động hợp lý, giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh chóng. Dĩ nhiên, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu cách thức tiếp thị, quảng bá phù hợp để kích cầu tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong điều kiện cụ thể sau dịch.

Với tinh thần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và kiểm soát, công tác phục hồi kinh tế cần được thực hiện khẩn trương, quyết liệt, có trách nhiệm. Do đó, ngay từ bây giờ, các ngành, các cấp cần tích cực chuẩn bị các phương án, tình huống, giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo tốt hoạt động này để nhiệm vụ phục hồi kinh tế sớm đạt được kết quả như mong muốn!

Trúc Giang (Theo hcmcpv.org.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: