Quan tâm hỗ trợ kịp thời là cách để giữ chân người lao động

Chủ nhật, 10 Tháng 10 năm 2021
In

(ĐCSVN) – Đó là chia sẻ của ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương Thực và Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) xung quanh câu chuyện doanh nghiệp đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền Thành phố phòng, chống dịch gắn với thực hiện “mục tiêu kép”.

Quan tâm hỗ trợ kịp thời là cách để giữ chân người lao động
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương Thực và Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh,
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn.

Nhìn lại khoảng thời gian khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, kéo theo các đợt giãn cách liên tiếp, ông Trương Tiến Dũng cho biết: Các doanh nghiệp phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, việc phải gánh thêm quá chiều chi phí, khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, rơi vào tình huống bị động do nhiều khó khăn, áp lực phát sinh, APT cũng không phải là ngoại lệ.

Đứng trước những áp lực, khó khăn chung, trên cơ sở các quy định và hướng dẫn hướng dẫn của Chính phủ, của Cơ quan y tế, của UBND Thành phố về công tác phòng, chống dịch. Công ty APT kịp thời kích hoạt bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19, xây dựng phương án chống dịch với các nội dung cụ thể, kịp thời, liên tục tuyên truyền ý thức người lao động (NLĐ) trong công tác phòng chống dịch (đã duy trì thực hiện từ mùa dịch năm 2020).

Công ty APT có hơn 400 công nhân, nhưng chỉ có hơn một nửa công nhân thực hiện làm việc “3 tại chỗ”. Ban lãnh đạo Công cũng thấy rõ, nếu không có chiến lược giữ chân công nhân thì hậu COVID-19 sẽ thiếu lao động trầm trọng. Đó là chưa kể đến việc nếu không tuyển được lao động có kỹ năng nghề thì sẽ mất nhiều thời gian đào tạo, ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, để tránh nguy cơ lây nhiễm, APT đã thực hiện một loạt các giải pháp như “Đưa chợ về công sở - Công đoàn đi chợ thay", đáp ứng các sản phẩm thiết yếu hàng ngày cho NLĐ; hỗ trợ những túi lương thực an sinh, giúp NLĐ có thêm nguồn chi phí đầu năm học cho con... Đặc biệt việc xây dựng hệ thống thông tin nội bộ nắm bắt tình hình sức khỏe, tinh thần của NLĐ để kịp thời tư vấn, động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, không chỉ với công nhân thực hiện “3 tại chỗ” mà cả công nhân ở địa phương bị nhiễm bệnh phải thực hiện cách ly. Các chế độ, chính sách cho NLĐ được Công đoàn Công ty thông tin kịp thời, tạo tâm lý yên tâm trong NLĐ.

Cùng với đó, APT đã sớm tiếp cận nguồn vaccine từ tháng 6, đến ngày 15/8 gần như 100% người lao động Công ty đã được tiêm mũi thứ 2. Do vậy, có một số ít người lao động bị lây nhiễm tại địa phương nhưng có triệu chứng nhẹ và vượt qua nhanh chóng.

Quan tâm hỗ trợ kịp thời là cách để giữ chân người lao động
Quan tâm, chăm lo hỗ trợ kịp thời là một trong những việc làm quan trọng để giữ chân NLĐ ở lại.
(Công đoàn APT đưa chợ về công sở để đảm bảo an toàn cho công nhân, NLĐ).

Tuy nhiên, ông Trương Tiến Dũng cũng chia sẻ: Hiện APT mới chỉ phục hồi hoạt động được 75%, do một số điều kiện khách quan, việc đảm bảo 100% công nhân quay trở lại làm việc sẽ gặp nhiều khó khăn.

“Để giải quyết tình trạng này, APT đã có những phương án để giải quyết các đơn hàng xuất khẩu và đảm bảo cung ứng nội địa, chúng tôi đã có kế hoạch làm việc với các đối tác để đảm bảo nguồn nguyên liệu, tăng sản lượng cá nuôi chủ lực để chủ động cho tổ chức sản xuất; đảm bảo thực hiện tốt các chế độ chính sách, chăm lo đời sống để NLĐ tiếp tục an tâm gắn bó với Công ty…”. Ông Dũng cho biết thêm.

Ông Dũng cho rằng, trong những thời điểm khó khăn không chỉ với riêng APT mà với cả cộng đồng doanh nghiệp, một trong những yếu tố để có thể vượt qua được khó khăn, thử thách đó là bản lĩnh và tinh thần vững tin của chủ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Không chỉ ứng biến linh hoạt trong mọi hoàn cảnh, mà người lãnh đạo cũng cần hy sinh, gánh vác và chia sẻ khó khăn cùng tập thể, lo cho doanh nghiệp như chính ngôi nhà của mình, người lao động như chính người thân của mình thì doanh nghiệp, tập thể đó sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.

Gần 3 tháng thực hiện phương án “3 tại chỗ”, hầu như toàn bộ Ban Điều hành Công ty APT vào ở Nhà máy cùng làm việc, ăn, ngủ nghỉ với người lao động. Từ 01/10 đến nay, Công ty trở lại trạng thái bình thường mới thì Ban Điều hành vẫn tiếp ở lại Nhà máy cho đến khi tình hình ổn, tránh để người lao động chủ quan vì dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp.

Đứng trước xu hướng ở nhiều nơi NLĐ rời thành phố để về quê, Công ty APT vẫn an tâm vì NLĐ vẫn gắn bó với Công ty. Theo ông Dũng, người lao động phải rời Thành phố để về quê là để tìm nơi an toàn, tìm sự bình an trong đại dịch. Vì vậy, công tác chăm lo, tuyên truyền, động viên, tạo cho NLĐ có niềm tin là một trong những công tác quan trọng của tổ chức, tập thể. Công tác chăm lo phải xuất phát từ tình cảm, từ cái tâm là trách nhiệm của người Lãnh đạo doanh nghiệp; điều kiện khác nhau sẽ có giải pháp khác nhau nhưng để duy trì được các hoạt động chăm lo trong điều kiện khó khăn là vô cùng trân quý, là nguồn động viên lớn đối với người lao động.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, song song với sự nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền Thành phố cũng cần xem xét lại các thiết chế phù hợp cho lao động nhập cư, điều kiện về an sinh xã hội phải được quan tâm đồng đều, tiêu chí về nhà trọ phải được nâng lên, tạo cơ hội để nhiều NLĐ tiếp cận được nguồn nhà ở xã hội… để NLĐ an cư, có điều kiện găn bó lâu dài, góp sức, cống hiến cho Thành phố…/.

Hoàng Mẫn (Theo dangcongsan.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: