Nhận BHXH một lần sẽ giúp người lao động có nguồn tài chính nhất định để giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng không còn cơ hội nhận lương hưu
Dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho cuộc sống của hàng chục triệu lao động, khiến họ bị mất việc làm, giảm hoặc không có thu nhập... nên cần có một khoản tiền để trang trải cuộc sống. Tại thời điểm đó, sổ BHXH chính là một phần tài sản mà người lao động (NLĐ) đã tích góp được và có giá trị bằng tiền, cho nên không ít trường hợp sẵn sàng nhận BHXH một lần.
Nhiều hệ lụy
Theo một số chuyên gia về bảo hiểm, người dân đi rút tiền bảo hiểm để hưởng "tiền tươi" hầu hết xuất phát từ cuộc sống khó khăn, mất việc, thậm chí không nhìn thấy cơ hội được làm việc, đóng bảo hiểm tiếp theo. Thống kê của cơ quan BHXH cho thấy phần lớn người hưởng BHXH một lần là những người tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc và người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm tham gia.
Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức (quận 8, TP HCM) lần lượt mất việc vì doanh nghiệp (DN) thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Vợ nghỉ việc giữa năm 2020, còn anh Đức mất việc từ tháng 5-2021. Trong lúc túng quẫn, vợ anh quyết định làm hồ sơ nhận BHXH một lần. Anh Đức bộc bạch: "Vợ tôi mới đóng BHXH 5 năm nên số tiền nhận được không lớn. Dù vậy, khoản trợ cấp này đã giúp chúng tôi có chi phí sinh hoạt suốt mấy tháng giãn cách xã hội. Nếu không rút BHXH trong hoàn cảnh đó thì chúng tôi cũng không biết xoay xở ra sao". Do DN gặp khó khăn, mới đây, chị Võ Thị Cập (huyện Bình Chánh, TP HCM) bị chấm dứt hợp đồng lao động. Đột ngột mất việc ở tuổi 45 trong khi các con đang tuổi ăn, tuổi học nên chị Cập quyết định rút BHXH một lần. "Dù biết không có của để dành về già sẽ rất khó khăn nhưng mục tiêu quan trọng trước mắt của tôi là lo cho con cái ăn học. Còn chuyện tương lai từ từ tính vậy" - chị Cập nói.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bản chất của bảo hiểm hưu trí là phải tích lũy cả đời để sau này khi NLĐ suy giảm khả năng lao động, không còn khả năng lao động thì có nguồn lương để trang trải cuộc sống. Từ năm 2020 đến nay, số người đóng BHXH bắt buộc đã ít đi gần 1 triệu người và phần lớn những người dừng đóng BHXH bắt buộc đều rút số tiền dự kiến để dành trả lương hưu cho chính họ. Đây là một thách thức thực sự đối với an sinh xã hội trong những năm tới khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa. "Việc này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người rút khi họ về già mà rút BHXH một lần còn ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội của Chính phủ khi độ bao phủ mới chỉ đạt khoảng 30%. Như vậy, còn gần 70% chưa có một hệ thống gì để bảo đảm cho họ khi mất khả năng lao động hoặc suy giảm khả năng lao động" - ông Huân nói. Cũng theo ông Huân, rút BHXH một lần sẽ giúp NLĐ có nguồn tài chính nhất định để giải quyết vấn đề trước mắt nhưng không còn cơ hội nhận lương hưu. Điều này sẽ sinh ra nhiều hệ lụy về sau, không chỉ cho chính bản thân họ mà còn cho lưới an sinh xã hội mà Nhà nước đang thực hiện.
Người lao động rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, nhất là chế độ hưu trí, tử tuất. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tích lũy khi còn trẻ
Các chuyên gia cho rằng nếu quyền lợi được đặt lên "bàn cân" thì chính sách BHXH đem lại cho NLĐ những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được.
Căn cứ theo quy định hiện tại, mỗi NLĐ tham gia BHXH bắt buộc có mức đóng vào quỹ BHXH bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của NLĐ, trong đó NLĐ đóng 8%, người sử dụng lao động (NSDLĐ) đóng 17%. Ví dụ, nếu tiền lương của NLĐ là 5 triệu/tháng thì quỹ BHXH thu 1.250.000 đồng. Trong đó, NLĐ đóng 400.000 đồng (32% tổng số tiền phải đóng), NSDLĐ đóng 850.000 đồng (68% tổng số tiền phải đóng). Vì vậy, khi tham gia BHXH, với việc bỏ ra số tiền 8% tiền lương hằng tháng (32% tổng quỹ), NLĐ được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, NLĐ nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà NLĐ phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng. Với NLĐ tự do, khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng). Như vậy, với tỉ lệ đóng hằng tháng 22% thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (nhà nước đã hỗ trợ 10%) nhưng tỉ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. "Hiện nay, mức đóng BHXH do cả NSDLĐ và NLĐ đóng một năm tương đương 2,64 tháng lương, trong khi nếu nhận BHXH 1 lần thì NLĐ chỉ được nhận 1 năm bằng 2 tháng lương bình quân cả quá trình đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 về sau, còn những năm trước 2014 chỉ được tính 1,5 tháng lương" - đại diện BHXH lý giải.
Theo BHXH Việt Nam, thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhận BHXH một lần. Bởi để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu thì cần có nguồn tài chính ổn định là lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe. Muốn vậy, NLĐ hãy tích lũy, tham gia BHXH ngay khi còn trẻ. Nếu do khó khăn không thể đóng tiếp BHXH, NLĐ có thể bảo lưu và sau đó đóng tiếp bằng cách tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện để đủ điều kiện nhận lương hưu... "NLĐ sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để bảo đảm cuộc sống và sức khỏe khi về già - độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh như hiện nay" - một chuyên gia khuyến cáo.
Xem xét thấu đáo quy định hưởng BHXH một lần
Nhấn mạnh thực trạng NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất... dẫn đến rủi ro đối với chính họ trong tương lai, một số chuyên gia cho rằng khi sửa đổi Luật BHXH, cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH một lần thật thấu đáo. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), cho rằng cần đánh giá quá trình thực hiện Luật BHXH một cách chi tiết hơn, nhất là về quá trình thực hiện quy định BHXH một lần, cũng như những hạn chế bất cập đang còn tồn tại, sớm có lộ trình sửa đổi luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
NHÓM PHÓNG VIÊN
- 26/01/2022 15:04 - Công nhân vơi nỗi nhớ xa quê nhờ các hoạt động gói bánh chưng, bánh tét ngay tại nhà máy
- 17/01/2022 16:17 - Góp tiền lo Tết nghĩa tình
- 14/01/2022 09:21 - Bộ NN&PTNT kiểm tra nhiều điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở TP.HCM
- 12/01/2022 10:24 - Tết này về hay ở? - Chăm lo để “giữ chân” công nhân
- 07/01/2022 17:24 - Tập thể Công ty APT vinh dự là một trong 30 Doanh nghiệp nhận giải thưởng “Thương hiệu vàng TP.HCM” năm 2021
- 14/12/2021 08:27 - Nhà máy chủ động tăng lương cho công nhân
- 10/12/2021 08:10 - XOAY XỞ THƯỞNG TẾT (*): Tìm cách giữ chân công nhân
- 06/12/2021 13:23 - Cần gói hỗ trợ đủ lớn để không tụt hậu
- 03/12/2021 19:53 - HỘI NGHỊ KẾT NỐI CUNG CẦU NĂM 2021
- 30/11/2021 11:07 - Doanh nghiệp 'hồng hào' trở lại